Monday, November 13, 2017

Tiểu Sử Cố Đại Lão HT. Thích Hộ Giác

Tiểu Sử Cố Đại Lão HT. Hộ Giác


TIỂU SỬ

Cố Đại Lão Hoà Thượng THÍCH HỘ GIÁC

(1928 – 2012)

– Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
– Nguyên Tổng Thư Ký Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
– Nguyên Thành Viên Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.
– Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sỹ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Nguyên Phó Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
– Nguyên Tổng Thư Ký Hội Đồng Lãnh Đạo GHPGVNTN Hải Ngoại.
– Nguyên Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hoá Đạo GHPGVNTN Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ.
– Nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ.
– Viện chủ Tổ Đình (PHV) Pháp Quang; chùa Nam Tông; chùa Xá Lợi Phật Đài (Việt Nam).
– Viện chủ Pháp Luân Tự, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

I/ TIỂU SỬ:
Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, thế danh Ngô Bửu Đạt, sinh ngày 14-1-1928 tại Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam). Thân phụ ngài là cụ ông Ngô Bảo Hộ (Tức cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thiện Luật – vị đệ nhất cao tăng Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, sau nầy trở thành Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất). Thân mẫu là cụ bà Lưu Kim Phùng.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình thương nhân, gồm có hai chị em. Bào tỷ là cố tu nữ Diệu Đính (thế danh Lưu Kim Đính). Do phương kế làm ăn sinh sống, cả gia đình ngài qua Cam-pu-chia lập nghiệp tại tỉnh Praey-veng – tức Lò-veng hay làng Hoa Mỹ theo cách gọi của cộng đồng người Việt cư trú tại đó.
II/ XUẤT GIA TU HỌC:
Năm 1934, sau khi thân mẫu qua đời, thân phụ ngài gởi trưởng nữ là Lưu Kim Đính cho người em gái (cụ bà Ngô Thị Dần) nuôi dưỡng và dẫn ngài cùng đến chùa Prek-reng (Cần Ché) xuất gia tu học. Thân phụ ngài xuất gia thọ giới Sa-di, Pháp danh là Thiện Luật; còn ngài xuất gia làm giới tử học tập kinh luật.
Năm 1940 ngài được thọ giới Sa-di tại chùa Sri-Sagor và được Hòa Thượng tế độ ban Pháp danh là Hộ Giác (Buddha Pala).
Ngài vốn có thiên bẩm thông minh xuất chúng, chịu khó, chịu học, lại có dung mạo khôi ngôi tuấn tú nên rất được các bậc Giáo Thọ Sư thương mến, hết lòng truyền thụ sở học và được gởi vào trường Cao Đẳng Phạn Ngữ Pali tại thủ đô Pnom Penh, năm 1948 ngài thọ Giới Đàn (Tỳ khưu) tại trường này, sau đó ngài tốt nghiệp cao đẳng Phạn ngữ – Pali với hạng ưu. Kế đó ngài đi tu nghiệp thêm tại các xứ Miến Điện, Tích Lan để hoàn thành sở học, thành danh là một vị Tăng tài của Phật Giáo.
III/ ĐẠO NGHIỆP – CÔNG HẠNH:
Từ năm 1950 đến năm 1957, ngài thường theo Cố Đại Lão Hòa Thượng Thiện Luật vảng lai về nước trợ giúp chư tôn thạc đức Tăng-già trong Phật sự mở mang Phật Giáo Nguyên Thủy tại miền Nam nước Việt, nhất là tại Sài Gòn.
Năm 1954, ngài cùng phái đoàn Tăng-già Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam tham dự Đại Hội Kết Tập Tam Tạng lần thứ VI tại thủ đô Ngưỡng Quang, Miến Điện (khai mạc vào dịp đại lễ Phật Đản, ngày 17 tháng 5 – Visàkha Day – Thời gian kết tập trải qua 2 năm, đến Phật Đản 1956, Phật lịch 2500 mới hoàn thành – Theo Phật Quang Đại Từ Điển, tr.5189). Nhờ thông tuệ 2 văn hệ Phạn ngữ và Pàli, ngài được tuyển thỉnh là một trong 2.500 thành viên chính thức dự phần nghe tuyên đọc kết tập Tam Tạng.
Năm 1957, sau nhiều năm du học ở xứ người, ngài trở về Việt Nam và khi Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam thành lập, ngài được suy cử đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký đầu tiên của Giáo Hội.
Năm 1958, với sự ủng hộ của hãng dầu cù-là hiệu Mac-Phsu và chư tôn đức cao tăng cùng quý nam nữ Phật Tử, ngài cùng Đại Lão Hòa Thượng Thiện Luật kiến tạo ngôi Tam Bảo chùa Pháp Quang, và tại nơi đây, ngôi trường Phật Học đầu tiên của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam được thành lập có tên là Phật Học Viện Pháp Quang do ngài làm Viện Trưởng, chuyên đào tạo Học tăng qua 3 học vị: Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng Phật Học theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thuỷ. Học vị do trường cấp cho Tăng Sinh tốt nghiệp được Hội Phật Giáo Thế Giới (ngành giáo dục) công nhận. Ngôi trường đã đào tạo nhiều bậc Tăng tài phục vụ sự nghiệp phát triển Phật Giáo Nguyên Thủy trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp. Các Hòa Thượng, Thượng Tọa hiện nay như: HT Pãnnõ, HT Tịnh Giác, HT Minh Giác, HT Thiện Nhân, TT Bửu Chánh, TT Giác Trí… đều xuất thân từ ngôi trường này.
Pháp nạn 1963 là một biến cố chấn động toàn thể Phật Giáo Đồ Việt Nam, ngài cùng Ban Chưởng Quản Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam tham gia Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, đấu tranh trong tinh thần bất bạo động cho sự bình đẳng, tự do tôn giáo đối với Phật Giáo đến khi thành công và cũng đã bị bắt cầm tù trong thời gian này như bao Tăng Ni dấn thân hộ đạo lúc bấy giờ.
Năm 1964, Phật Giáo được thống nhất tại miền Nam cùng các Hội Phật Giáo miền Bắc di cư lấy danh hiệu là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Bản Hiến Chương đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam ra đời. Ngài cùng chư tôn đức cao tăng Phật Giáo là một trong những thành viên sáng lập nên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong tổ chức Giáo Hội thời bấy giờ, ngài đã liên tiếp đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp… và vào thời điểm hình thành Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngài được suy cử vai trò Phó Giám Đốc (Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo lúc ấy là Thượng Tọa Thích Tâm Giác).
Với chí nguyện hoằng pháp độ sanh, với thiên tài sở học Phật pháp, ngài đã hoằng truyền làm tỏ rạng chánh pháp Nguyên Thủy khắp cả miền Nam nước Việt, làm cho mọi người biết nhiều hơn đến Phật Giáo  Nguyên Thuỷ (tức  Phật Giáo Nam Tông như tên gọi hiện tại). Đây là công đức lớn lao với Tăng, Tín đồ Phật Giáo Nam Tông ngày nay. Bên cạnh đó, với sở học xuất sắc Phạn ngữ – Pali, ngài đã trợ duyên cho Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh (nay là Học Viện Phật Giáo TP.HCM) dịch thuật Đại Tạng Kinh Pali – Việt phổ biến đến khắp Tăng Ni, Phật Tử có nhu cầu nghiên cứu Phật học, quan trọng hơn nữa là hòa nhập với Phật Giáo các nước theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thuỷ.
Song song với Phật sự đào tạo Tăng tài, hoằng dương chánh pháp, Ngài đã kiến tạo ngôi chùa Nam Tông với ý nguyện thành lập Phân Viện Đại Học Phật Giáo Nam Tông thuộc Viện Đại Học Vạn Hạnh nhằm phát triển Phật Giáo Nam Tông tại nước nhà, sánh vai cùng các nước Phật Giáo Nam Tông trên thế giới.
Tuy đa đoan nhiều Phật sự, nhưng ngài cũng dành được thời gian biên soạn, trước tác với 27 tác phẩm đã sáng tác, dịch thuật; trong đó có 5 tác phẩm lớn chưa ấn hành. Một số kinh sách của ngài thường được nhắc đến là:
– Tình mẹ.
– Trúc Lâm dậy sóng.
– Tính đời ý đạo.
– Tình bạn.
– Thanh Văn sử.
– Cuộc đời và sự nghiệp Đại Đế A Dục Vương.
– v.v…
Năm 1981, nhận thấy tình hình nhiễu nhương của Phật Giáo Việt Nam qua việc bị thúc ép hình thành một Giáo Hội nữa ngoài ý muốn của đại đa số Tăng Ni, Phật Tử và của riêng cá nhân ngài, ngài quyết định rời khỏi Việt Nam bằng cách vượt biên giới qua ngã đường bộ Cam-pu-chia.
Năm 1982, ngài chính thức định cư tại Hoa Kỳ.
Một năm sau đó, ngài cùng với 8 vị nguyên thành viên của Hội Đồng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại. Hội Đồng đã thỉnh cử ngài vào cương vị Tổng Thư Ký Hội Đồng.
Năm 1992, khâm tuân lời kêu gọi đức Đệ III Tăng Thống, ngài cùng đông đảo chư tôn đức và quý cư sĩ thành lập Uỷ Ban Vận Động và hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ. Không lâu sau đó, cơ cấu nầy được Đại Lão Hòa Thượng Đệ IV Tăng Thống Thích Huyền Quang ủy nhiệm vai trò Văn Phòng II Viện Hóa Đạo mà ngài là Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành cho đến khi ngài viên tịch.
Năm 2008, do sự thỉnh cầu của Hội Đồng Lưỡng Viện, đức Đệ IV Tăng Thống ban hành giáo chỉ suy cử ngài lên tôn vị Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Trong những năm định cư ở xứ người, ngài đã lên đường hoằng du nhằm nghiên cứu đồng thời cũng xiển dương chánh pháp tại nhiều nước: Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Đức, Thụy Sĩ v.v… Ngài đã kiến tạo nên ngôi chùa Pháp Luân ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Ngài cũng là Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ. Ngài là Bổn Sư; A-xà-lê; Giáo Thọ Sư biết bao Tăng chúng trong và ngoài nước với thiên tài Phật học xuất chúng và thông thạo ngoại ngữ qua 6 thứ tiếng của ngài.
Là bậc cao tăng thạc đức nhưng với đức hạnh khiêm tốn; hòa nhã; tế nhị và sâu sắc, ngài luôn được Tăng Ni, Phật Tử trong và ngoài nước quý mến; kính trọng. Với tấm lòng cao cả, ngài luôn đùm bọc chở che, nâng đỡ đối với huynh đệ và hàng môn đồ đệ tử. Có thể nói, ngài là tấm gương sáng chói cho hàng hậu học noi bước trên đường đạo.
IV/ VIÊN TỊCH:
Cả cuộc đời của Cố Hòa Thượng Thích Hộ Giác là dành trọn cho sự nghiệp tu học và hoằng dương chánh pháp không mệt mỏi. Đến năm 2007, ngài tròn 80 tuổi, do tuổi cao sức yếu và thọ bệnh, nên ngài dừng bước vân du, dưỡng bệnh tại chùa Pháp Luân. Trong suốt thời gian nghỉ dưỡng, dù được các Y, Bác Sĩ tận tình phục dược và hàng môn đồ đệ tử tại bản tự hết lòng chăm sóc, nhưng sanh – lão – bệnh – tử là định luật mà mọi người ai cũng phải trải qua, định lý vô thường – vô ngã nào phải riêng ai, thế nên Hòa Thượng đã an nhiên thị tịch vào lúc 6 giờ 20 phút, ngày 5 tháng 12 năm 2012 (nhằm ngày 22 tháng 10 năm Nhâm Thìn, Phật lịch 2556).
86 năm trụ thế, 66 hạ lạp, Hòa Thượng đã cống hiến bao tinh hoa cho Phật pháp. Giờ đây công tròn hạnh mãn, ngài xã thân tứ đại ra đi, để lại cho hàng môn đồ đệ tử xuất gia và tại gia cùng Tăng, Tín Đồ khắp nơi bao niềm tiếc thương, kính quý.
Toàn thể môn đồ đệ tử và Tăng Ni, Phật Tử Việt Nam trên thế giới thành tâm cầu nguyện Giác Linh Hòa Thượng cao đăng thượng phẩm.


Wednesday, February 27, 2013

TƯỞNG NIỆM HT. HỘ GIÁC

Tưởng Niệm Đức Phó Tăng Thống Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác (1928-2012)
Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác

Pháp Thoại của TT Viên Giác, Viện Chủ chùa Thôn Đoài, Vancouver Canada tin rằng: Hòa Thượng Hộ Giác để lại Xá Lợi, Ngài có thể là một Thánh Tăng của thời cận đại ngày hôm nay
TT Viên Giác thuyết trong ngày lễ Chung Thất của Cố Đại Lão Hòa Thượng ngày 20-1-2013

Minh Hạnh chuyển biên
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Hôm nay chúng tôi từ Canada, được một duyên lành về đây để cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni và cùng với Phật tử làm lễ nhập tháp cho Hòa Thượng Tăng Thống.

Thưa đại chúng, cứ mỗi lần chúng tôi lên lễ Tổ bên tu viện của chúng tôi, thì trên bàn Tổ chúng tôi có để linh ảnh của Ngài Hòa Thượng trên bàn thờ Tổ, và Tăng Ni chúng tôi mỗi lần lên công phu bái xám đều lạy Hòa Thượng. Bởi vì không ít nhiều mặc dù Hòa Thượng Ngài với chúng tôi là khác về truyền thống nhưng ân đức của Ngài lúc nào cũng trang trải và trở thành năng lượng và có lẽ cái năng lượng đó sẽ đi theo suốt chúng tôi trong hành trình của người con Phật.

Thưa đại chúng. Mỗi lần Hòa Thượng qua thăm anh em chúng tôi thì chúng tôi được hưởng cái năng lượng đó, năng lượng rất là bình an. Hồi sáng TT Giác Đẳng có chia sẻ đó là sự hòa ái. Thưa đại chúng. Nếu một người tu hành mà thiếu đi tánh hoà ái thì e rằng sự tu hành của chúng ta chưa đạt được một kết quả nào. Vì sao? Vì cuộc đời này luôn luôn là sóng gió. Khi chúng ta sanh ra trong cuộc đời này thì chúng ta mang trên thân phận mình năm yếu tố ô nhiễm, đó là: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược. Cõi ta bà này là một ngôi trường rất tốt cho năm loại ô nhiễm phát triển mà làm sao người con Phật chúng ta đi trong cõi ô nhiễm này với tâm hành thật là hoà ái.

Kính thưa đại chúng. Mỗi lần Ngài ngồi bên cạnh chúng tôi, hay chúng tôi được hầu Ngài, Thầy trò đôi khi không cần phải nói gì hết, chúng tôi chỉ cần hưởng thụ sự hoà ái, sự từ tâm của Hòa Thượng tỏa ra thôi, mà đó đã trở thành năng lượng nuôi và giúp đỡ cho anh em chúng tôi những khi mệt mỏi trong cuộc sống đầy phiền lụy này.

Và hôm nay, chúng tôi về đây để được làm lễ nhập thất của Hòa Thượng, và chúng tôi cũng có xem một số hình ảnh về xá lợi của Ngài ở trên mạng.

Thì thưa đại chúng. Trong đời sống của những người xuất gia như Thầy trò anh em chúng tôi, những vị ra đi mà để lại xá lợi thì những vị đó đã diệt tận được các lậu hoặc đó là mười kiết sử.

Mười kiết sử đó là gì? Là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, giới kiến thủ và giới cấm thủ. Thì những ai mà đoạn tận được mười kiết sử đó thì mới đi vào Từ Bi Tam Muội hoặc Định của Tam Muội, mà đối với Hòa Thượng thì chúng ta thấy rằng là Ngài có đức từ bi rất lớn, tất cả những phong ba bão táp của cuộc đời này dồn về phía Ngài, Ngài cứ mỉm cười và đón nhận và cái năng lượng từ bi đó, Ngài giải tỏa rất là nhiều các bão tố cuộc đời luôn luôn từ phía đối nghịch luôn luôn chỉa mũi dùi về Ngài. Và hôm nay bằng chứng Ngài ra đi và Ngài để lại một phần xá lợi của di cốt của Ngài thì đó là một niềm tin vững chắc cho những người xuất gia cũng như tại gia chúng ta giữ vững niềm tin nơi chánh pháp, hãy giữ vững con đường tu tập của mình, như hồi sáng Hòa Thượng Tăng Thống Phật Giáo Nguyên Thủy có nói rằng chúng ta phải cố gắng tu học hiểu biết giáo lý thì chúng ta mới không đi lạc vào tà kiến.

Thưa đại chúng. Nhân đây, chúng tôi cũng xin chia sẻ với đại chúng một chút kinh nghiệm. Sau tang lễ của Đại Lão Hòa Thượng thì có một số người Phật tử hỏi chúng tôi là:

"Bạch Thầy, sao Ngài Hòa Thượng là vị Cao Tăng mà sự ra đi của Hòa Thượng còn bịnh và thấy Ngài có vẻ đau đớn lắm".

Thì chúng tôi có trình bày thế này, chúng tôi chỉ kể một câu chuyện.

Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, có trưởng giả Cấp Cô Độc, Ngài có hai người con gái, và cuộc đời của Ngài là luôn luôn làm việc bố thí và cúng dường, Ngài nổi tiếng là cung cấp giúp đỡ cho những người khốn khó. Thì thưa đại chúng. Có những lần Ngài đi làm việc từ thiện ở xa Ngài thường nhờ hai người con gái ở nhà để thay cho Ngài lo cúng dường cho Chư Tăng và phân phát bố thí cho những người nghèo khó. Thì một hôm người con gái út mang trọng bịnh và trong giờ hấp hối báo cho Ngài Cấp Cô Độc biết, Ngài Cấp Cô Độc trở về gấp để thăm người con gái út lần cuối. Trong lòng ông nghĩ là có phải chăng người con gái út này không có gia đình mà các chị đã có gia đình thì vì thế mà người con gái út này mặc cảm tủi buồn mà lâm bịnh hay không. Ông chỉ thấy tiếc thương người con gái chưa có gia đình mà lại ra đi trong tuổi còn xuân. Thì khi ông về đến nhà, cô con gái út nói là:

"Chào em, em mới về đó à".

Thì Ngài Cấp Cô Độc nghe con gái của mình bảo là: "Chào em", thì ông rất là đau lòng, đau lòng bởi vì sao? Bởi vì ông nghĩ rằng là cái giờ cận tử nghiệp đã đến rồi mà nó không tỉnh thức, không tỉnh táo, có nghĩa là nó đi vào hôn mê mà đi vào hôn mê như thế thì sẽ đọa lạc không thể nào sanh về cảnh giới lành được. Thì như thế sau khi cô con gái mất, cái nỗi buồn đau của ông bởi vì người con gái chắc sẽ sanh vào ác đạo, vì thế ông buồn. Rồi một hôm ông đến đảnh lễ Đức Thế Tôn thì Đức Thế Tôn hỏi:

"Này ông Cấp Cô Độc, sao trên mặt ông còn vương nỗi buồn như thế?"

Thì ông nói rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn, con buồn không phải vì đứa con gái con đã mất mà con buồn bởi vì nó đọa vào ác thú".

"Thế tại sao ông biết nó đọa vào ác thú?"

"Bạch ĐứcThế Tôn, trước giờ nhắm mắt nó lẫn lộn, nó không biết con là ba của nó, mà nói gọi con là em của nó."

Thì Đức Thế Tôn mới nói:

"Này Cấp Cô Độc, không phải thế đâu, ông là đã chứng quả Tu Đà Hoàn rồi, nhưng con gái út của ông chứng quả Tư Đà Hàm. Có nghĩa rằng xét trên vai vế của đạo thì con gái của ông đã chứng cao hơn ông một bậc nên nó gọi ông là em là đúng rồi".

Thì như vậy, cho đến cái cuộc tử sinh này chúng ta không biết ai là người là Thánh, chả biết ai là phàm, chúng ta đừng có vội phán xét khi chúng ta còn là những kẻ phàm phu lặn ngụp trong cuộc đời sanh tử này, mà sự ra đi của Hòa Thượng là một minh chứng cho chúng ta thấy đó là xá lợi của Ngài để lại. Và trong kinh sách có để lại là "những ai để lại xá lợi thì người đó đã triệt tận tất cả các lậu hoặc thì mới có xá lợi", cho nên chúng tôi tin tưởng và tin tưởng rất mạnh, tin tưởng rất sâu là Hòa Thượng không phải là một vị tu sĩ bình thường mà Ngài có thể là một Thánh Tăng của thời cận đại ngày hôm nay.

A Di Đà Phật.


Video - Chùa Pháp Luân - Lễ Chung Thất và Nhập Thất của Cố Đại Lão HT Thích Hộ Giác

Video Chùa Pháp Luân - Ngày 20-1-2013 Lễ Chung Thất Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác

.


Video Chùa Pháp Luân - Ngày 20-1-2013 Lễ Nhập Thất Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác
.


Video Của Chùa Pháp Luân - Tang Lễ Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác

Video 1 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Lễ Nhập Kim Quan Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác
.


Video 2 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Thọ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác
.


Video 3 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Lễ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Pháp Hội Hoa Khai Kiến Phật 1) Thấy Phật bằng mắt thấy Phật bằng tâm - TT Giác Đẳng và TT Tuệ Siêu
.


Video 4 của Chùa Pháp Luân - Ngày 12-12-2012 Lễ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Pháp Hội Hoa Khai Kiến Phật 2) Hành trạng một danh Tăng - TT Giác Đẳng và HT. Thiện Tâm và HT. Huyền Việt
.



Video 5 của Chùa Pháp Luân - Ngày 16-12-2012 Lễ Tang Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Lễ Truy Niệm Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác
.


Video 6 của Chùa Pháp Luân - Ngày 16-12-2012 Lễ Tang Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác - Lễ Trà Tỳ Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác
.

Hình Ảnh




Tháp thờ phượng xá lợi Ngài Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác.


Pháp Hội Hoa Khai Kiến Phật


Hành Trạng Một Danh Tăng
TT Giác Đẳng, HT Huyền Việt và HT Thiện Tâm
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Trong việc học đạo chúng ta có kinh nghiệm rất quan trọng, đó là, chúng ta học qua kinh điển và chúng ta cũng có thể học qua đời sống của những người hành đạo. Cuộc đời của chính Đức Phật cũng như cuộc đời của các Thánh Đệ Tử của Ngài và sau đó nhiều thế hệ từ đời này qua đời kia thì cuộc đời của chư vị tiền bối những tiền nhân đi trước quả thật cho chúng ta rất nhiều bài học quan trọng.

Chúng tôi nhớ, hồi còn nhỏ có đọc quyển sách trong đó nói rằng: "có rất nhiều người nhờ đọc những gương danh nhân mà từ đó đã thay đổi cuộc sống của chính bản thân mình". Chúng tôi tin rằng cuộc sống của Đại Lão Hòa Thượng cho chúng ta nhiều bài học ý niệm trong việc tu tập cũng như phục sự. Ngài đã đi một hành trình dài mà có quá nhiều điều để chúng ta có thể trầm tư.

Hôm nay trong tang lễ của Ngài với chương trình của Pháp Hội Hoa Khai Kiến Phật, vào giờ này là 4:00 giờ thứ Tư ngày 12-12-2012, chúng ta đặc biệt có một giờ để chiêm nghiệm. Một giờ chiêm nghiệm hôm nay và ngày mai ngày mốt cho đến thứ Bảy cũng vậy, riêng giờ chiêm nghiệm này chúng ta dành trọn thì giờ để nhắc lại hành trạng của Hòa Thượng thuở sanh thời qua những vị đã từng tiếp xúc đã từng làm việc và đã từng quen biết nhiều với Đại Lão Hòa Thượng.

Hòa Thượng Thích Thiện Tâm, Ngài là Chủ Tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Canada, và cũng là Tổng Ủy Viên đặc trách liên lạc Canada của văn phòng II Viện Hóa Đạo. Có lẽ là một ở trong những vị pháp lữ quen biết với Hòa Thượng rất nhiều năm tháng, nhất là thời Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Canada mới vừa thành lập. Năm nào Ngài Đại Lão Hoà Thượng cũng sang Canada để sinh hoạt trong những đại hội, trong những mùa an cư. Chúng tôi nghĩ rằng Ngài Hòa Thượng có nhiều giai thoại nhiều kỷ niệm và nhiều điều để chia sẻ với chúng ta ở trong cái quan hệ thân thiết với Đại Lão Hoà Thượng.

Bên cạnh Ngài, Hòa Thượng Huyền Việt thì có lẽ qúi vị ở đây không có xa lạ gì. Hòa Thượng Huyền Việt là Tổng Ủy Viên Thanh Niên của Giáo Hội Văn Phòng ÌI Viện Hóa Đạo và Hòa Thượng cũng là vị Tổng Ủy Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ. Và thưa quí vị, có lẽ quan hệ của Hòa Thượng Huyền Việt với Đại Lão Hòa Thượng của chúng ta bắt đầu rất sớm, từ thời Hòa Thượng còn ở Việt Nam và sang xứ này thì thật sự ở tại địa phương này thì Hòa Thượng Huyền Việt giống như người anh cả ở trong gia đình và chúng tôi cùng với những Sư khác như là em út sống quây quần bên chân của Hòa Thượng. Do vậy không nói gì với sự hoạt động ở trong Giáo Hội mà chỉ riêng công việc Phật sự tại địa phương này thì Hoà Thượng Huyền Việt cũng có nhiều thỉnh ý Ngài Đại Lão Hòa Thượng.

Do đó trong giờ này khi chiêm nghiệm về hành trạng của một Danh Tăng chúng con xin thay mặt đại chúng cung thỉnh nhị vị Hòa Thượng xin chia sẻ trong chương trình Pháp Hội này.

HT Huyền Việt: Là người sống bên cạnh Hòa Thượng, sống bên cạnh chư anh em huynh đệ đặc biệt dưới mái chùa Pháp Luân, những ngôi chùa thân thương thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đó là, chùa Pháp Luân, chùa Bửu Môn, chùa Liên Hoa, và xa hơn thì có chùa Từ Bi, chùa Huyền Quang. HT Thích Thiện Tâm ngồi bên cạnh chúng tôi là người đã giúp đỡ để làm sao ngôi chùa Huyền Quang với danh nghĩa phương danh của Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống vẫn còn là ngôi chùa với danh hiệu của Ngài phục vụ cho Giáo Hội, phục vụ cho cộng đồng.

Hôm nay với đề tài "hành trình của một danh Tăng" tôi cũng cảm nhận được rằng TT Thích Giác Đẳng, Ngài đã soạn một chương trình tang lễ với Pháp Hội "Hoa Khai Kiến Phật" rất đẹp, được trong nước hội đồng lưỡng viện Chư Hòa Thượng, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, Chư Tôn Giáo Phẩm trong Hội Đồng Lưỡng Viện, Chư Tôn trong Văn Phòng ÌI Hội Đồng Điều Hành, và các Châu rất hoan hỉ với chương trình lễ tang đượm nhuần Phật Pháp như vậy.

Và khi nói "hành trình của một vị danh Tăng", ở đây chúng ta muốn nói Đức Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cũng là Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam tức là Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác. Chúng tôi cảm nhận, không biết là có đúng và có đủ không, tức là sinh thời khi Hòa Thượng ra hải ngoại năm 1982 cũng là lúc TT Giác Đẳng cũng có mặt ở tại đây và gần như việc rời khỏi Việt Nam sau biến cố đau thương của dân tộc năm 1975, tất cả chúng ta nói chung, trong đó có Thầy, Tổ, huynh đệ, ngoài đời thì cha mẹ, vợ chồng con cái ra đi như ong vỡ tổ và chúng tôi cũng vậy, Thầy Tổ, huynh đệ cũng vậy, vì đoạn đường rời bỏ Việt Nam không phải là đoạn đường dễ để đến được những xứ tự do. Do vậy, không ai rủ ai, không dám, cho đến lúc nào mình đến được bến bờ tự do rồi thì lúc bấy giờ ngồi tưởng nghĩ lại "phải chi lúc bấy giờ có Thầy Tổ, có huynh đệ, có bạn bè, có cha có mẹ, có anh em đi cùng, vợ chồng đi cùng v.v... nhưng trong khi gặp phải hoạn nạn lao đao trong rừng sâu núi thẳm hay lênh đênh trên biển cả với sóng to gió lớn thì lúc đó chỉ có một mình mình thôi, có rủi ro thì cũng chỉ mình thôi.

Thì sự đến Hoa Kỳ này, Đại Lão Hòa Thượng đã gặp TT Thích Giác Đẳng, và chúng tôi suốt chiều dài hiểu rằng cái gì mà Hòa Thượng phục vụ TT Thích Giác Đẳng thì tùy hỉ 100%, cái gì mà TT Thích Giác Đẳng tuy rằng còn trẻ nhưng mà những gì TT Thích Giác Đẳng hướng nguyện phục vụ, nghĩa là có tài thuyết giảng Phật Pháp, có tài tổ chức, có tài thẩm thấu những thông tin rút lại những thông tin cần phải biết, đặc biệt là những Phật sự lớn của Giáo Hội thì Hòa Thượng và Thượng Tọa như bóng với hình như cặp bài trùng. Khi nói vậy thì nghĩ đến bây giờ Hòa Thượng Thích Viên Lý cũng vậy, như bóng với hình như cặp bài trùng, sinh ra các Ngài trùng hợp với nhau.

Và điều đó nói lên là cái phước của Đại Lão Hòa Thượng Đức Phó Tăng Thống đức rất là lớn. Và ngày hôm nay chúng ta ngồi đây, chúng ta cảm nhận từng giờ, từng phút, từng ngày trôi qua cái đức của Hòa Thượng chúng ta đã hiểu được một chút qua những thông tin, qua những lời đọc từ ngắn đã thấy rằng Hòa Thượng chúng ta quả thật là một vị Danh Tăng đương đại của Phật Giáo Việt nam, của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, của Phật Giáo Bắc Tông, đặc biệt là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Hình ảnh nổi bậc của thế kỷ đương đại này, từ Đức Đệ Tam Tăng Thống sau biến cố đau thương cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, Đức Đệ Tam Tăng Thống Đại Lão Hòa Thượng Thích Trung Hậu nổi bậc trong cái thế giới sầu, bi, khổ, ưu, não của Việt Nam, của vận mệnh linh đinh của dân tộc.

Sau Đức Đệ Tam Tăng Thống là Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, sau Đức Đệ Tứ Tăng Thống là, Đệ Ngũ Tăng Thống Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Và ở hải ngoại này sáng chói một vị Danh Tăng đó là Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Hình bóng của mỗi Ngài, khi chúng ta nhắc đến như vậy là những hình bóng sừng sững giữa quê hương đau khổ Việt Nam quốc nạn liền kéo theo tôn giáo đảng vào trong đó chúng ta gọi với cụm từ là "Pháp nạn". Các Ngài đã đến để làm một công trình đồ sộ ở giữa loài người đau thương, ở giữ dân tộc đau thương, ở giữa tôn giáo đau thương, ở giữa Phật Giáo đau thương.

Bây giờ chúng ta những người đang ngồi đây, hoặc là chúng ta đã nghe những thông tin xa gần, và thế giới ngày hôm nay. Chúng ta cảm nhận và tri nhận ra rằng Ngài đã đến, Ngài đã đi trong cao trào thông tin đại chúng rộng rãi, do đó những ngày tang lễ từ lúc Ngài sức khỏe kém kéo dài như là cây đèn dầu đã hao, tim đã lụt thì không có gì khác hơn cây đèn sẽ tắt, và đèn đã vụt tắt, Phó Tăng Thống của chúng ta đã ra đi.

Chúng tôi cảm nhận rằng là sự ra đi của Ngài, cuộc đời của Ngài như ngọn đèn, mỗi chúng ta như cây đèn mồi , chúng ta mồi hòai không thấy hết, không lưng cái ánh sáng của đèn gốc, là Ngài, là Hòa Thượng, rồi mỗi ngọn đèn của chúng ta nếu không phát triển thì chỉ bấy nhiêu thôi và nếu phát triển, phát triển ra hoài thì ngọn đèn của mình cũng không lưng.

Tôi cảm nhận được, sự suy nghĩ của tôi với Ngài Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Ngài như ngọn đèn đầu tiên cho tất cả môn đồ pháp quyến, pháp lữ, chư tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức, Nam Bắc tông xa gần, chư vị Phật tử, chư vị thiện hữu tri thức, những ai mà biết Ngài, quí Ngài, kính ngài, thương Ngài, thì mỗi người đều như ngọn đèn thắp lên, mồi lên từ ngọn đèn của Ngài.

Như vậy, ngọn đèn đầu tiên vụt tắt đi, vụt tắt đi ngọn đèn đầu tiên, điều đó không có gì là đau buồn, vụt tắt đi chỉ là một hiện tượng, nhưng mà từ ngọn đèn đó biết bao nhiêu ngọn đèn khác được thắp lên, mỗi chúng ta đang ngồi đây là một ngọn đèn dầu mờ hay tỏ chúng ta cũng được mồi từ ánh sáng từ bi, trí tuệ, đại hùng đại lực của Đức Phó Tăng Thống.

Với pháp thoại hôm nay "hành trình của vị Danh Tăng" cá nhân chúng tôi ngồi bên Hòa Thượng Thích Thiện Tâm, không biết nói gì để mà bộc lộ hết tấm lòng của mình, và tôi cũng không biết nói gì để chúng ta có thể nói hết một nhân vật lỗi lạc kiệt xuất như vậy ở giữa chúng ta.

Ngôn ngữ rất giới hạn, sự hiểu biết của mình có giới hạn, cách trình bày của mình quá giới hạn trong cái con người của Ngài thật là vô hạn. Một chút nào đó của Ngài mà mình thấy mình học hoài không hết, đức nhẫn nại của Ngài nói học hoài không hết, là tôi nói là bản thân của tôi, nhẫn nại, biết Ngài nhẫn nại mà học hoài không hết, cái đức từ ái của Ngài mà mình học hoài không hết, cái thông minh kiệt xuất của Ngài mà mình học hoài không hết, như là một đấng thiên tài ra đời với thiên chức của mình, thiên chức đó là cùng gánh vác cái trọng trách vừa cao cả và bi hùng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Từ khi Ngài đi khởi từ 1963 cho tới bây giờ Ngài tắt hơi thở ở giữa xã hội Hoa Kỳ nơi đây chúng ta đang ngồi mà thi hài của Ngài còn đó, Ngài đi một cách trọn vẹn, chưa bao giờ thấy Ngài thối thất vai trò trách nhiệm của Ngài đối với Giáo Hội. Và lúc nào Ngài cũng là tàng cao bóng cả cho chư huynh đệ pháp lữ, chư tôn Hòa Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni, chư Phật tử và đối với đồng hương Việt Nam ở hải ngoại, Ngài là cái chỗ ánh sáng niềm hi vọng.

Và rồi trong tang lễ của Ngài chúng ta ngồi lại với nhau, trên Chư Tôn Đức, Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, dưới có nam nữ cư sĩ, huynh trưởng gia đình Phật tử, qúi vị thiện hữu tri thức, chúng ta có chút thì giờ từ hôm nay cho đến Chủ Nhật đối với chúng ta mà ngồi đây tới mấy ngày chúng ta thấy lâu lắm, nhưng nếu chúng ta trầm mình trong biển công đức của Ngài, trong tinh thần phục vụ của Ngài, trong hiến dâng của Ngài, trong từ bi trí tuệ của Ngài, trong ánh sáng của Ngài, trong sự hi sinh của Ngài, chúng ta cảm thấy thời gian quá ngắn để chúng ta ôn, chúng ta chia sẻ, để chúng ta tâm tình, để chúng ta thổn thức ...
Kỳ tới: HT Thích Thiện Tâm "Hành Trạng Một Danh Tăng"